Nhảy đến nội dung
chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Mách mẹ chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi khỏe mạnh, chóng lớn

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi phù hợp giúp trẻ phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này trẻ có nhu cầu dinh dưỡng như thế nào? Những loại thực phẩm nên và không nên có trong thực đơn của trẻ? Bài viết dưới đây sẽ giúp bố mẹ trả lời các câu hỏi này. Cùng theo dõi ngay nhé!

1. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1 tuổi

Ở giai đoạn 1 tuổi, trẻ có cân nặng dao động từ 8,9kg - 9,6kg và chiều cao khoảng 74cm - 75,7cm. Lúc này, trẻ đã có thể đứng, bắt đầu tập đi những bước đầu tiên và chơi đùa nhiều hơn. Do đó, để đảm bảo con có nhiều năng lượng cho hoạt động trong ngày, bố mẹ nên chú ý xây dựng chế độ ăn giàu dưỡng chất.

Theo đó, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1 tuổi bao gồm 1.000 calo, 700mg canxi, 7mg sắt và 600 IU vitamin D. Lúc này, do tốc độ chuyển hóa thức ăn của trẻ nhanh hơn trước nên trẻ rất dễ đói bụng. Vì vậy, ngoài bữa ăn chính, bố mẹ cũng cần bổ sung thêm bữa phụ, để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng đầy đủ cho con.

Trong đó, có một số nguyên tắc bố mẹ nên nắm rõ khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi:

   • Nguồn năng lượng chính: Thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, rau xanh và các loại hạt đều là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể của trẻ. Do đó, khi xây dựng thực đơn cho trẻ 1 tuổi, mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm này.

   • Lượng thức ăn: Mỗi ngày, trẻ có thể ăn 3 - 4 lần, mỗi lần ăn từ ¾ đến 1 chén thức ăn.

   • Sử dụng sữa bổ sung: Trong thời gian này, hãy cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ đến khi được ít nhất 2 tuổi.

   • Thực phẩm nên tránh: Bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn thực phẩm ăn vặt không lành mạnh như đồ chiên, bánh ngọt và đồ uống có gas.

2. Thực phẩm nên có trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Dưới đây là các nhóm thực phẩm mẹ nên bổ sung trong chế độ dinh dưỡng của trẻ 1 tuổi:

2.1. Trái cây

Trái cây là nhóm thực phẩm đem lại nguồn dinh dưỡng dồi dào, cụ thể là vitamin - khoáng chất tốt cho cơ thể. Do đó, khi trẻ được 1 tuổi, mẹ hãy bổ sung các loại trái cây cho bé như táo, chuối, cam, lê, việt quất vào trong ½ bữa ăn hằng ngày của con. Lưu ý, trước khi cho trẻ ăn, mẹ nên rửa sạch trái cây, cũng như loại bỏ các loại hạt sạn, đá và vỏ cứng.

trẻ 1 tuổi ăn được những gì

2.2. Các loại rau xanh

Rau xanh là nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất dồi dào. Nhờ đó, không chỉ giúp hệ tiêu hóa của trẻ ổn định, mà còn góp phần cải thiện sức khỏe tối ưu. Vì thế, mẹ nên bổ sung các loại rau xanh như bông cải xanh, măng tây, cải xoăn, cải bắp hoặc rau chân vịt vào 2 hoặc 3 bữa ăn một ngày của trẻ. Lưu ý, mẹ hãy rửa sạch rau xanh với nước muối loãng trước khi chế biến. 

2.3. Thực phẩm giàu protein

Bổ sung thực phẩm giàu protein (chất đạm) là vô cùng cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của trẻ 1 tuổi. Theo đó, protein giữ vai trò cấu tạo hệ cơ, da và cơ quan trong cơ thể của trẻ; đồng thời tăng cường miễn dịch, bảo vệ sức khỏe khỏi tác nhân gây hại.

Mỗi ngày, mẹ hãy cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt gà, trứng, đậu hũ, đậu lăng để con được phát triển tốt hơn về thể chất. Để đảm bảo an toàn, mẹ nên rửa sạch thực phẩm với nước muối trước khi chế biến.

2.4. Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, giúp trẻ phát triển ổn định cũng như ngăn ngừa bệnh tật. Mỗi ngày, mẹ nên cho trẻ uống một cốc sữa 250ml, kết hợp với chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua trong bữa ăn hằng ngày, để trẻ có nhiều năng lượng, từ đó thỏa sức vui chơi khám phá.

>> Xem thêm: Mẹ có nên cho bé ăn váng sữa hàng ngày?

2.5. Thực phẩm chứa tinh bột

Nhóm thực phẩm chứa tinh bột cung cấp năng lượng, giúp trẻ phát triển toàn diện. Bố mẹ có thể bổ sung vào mỗi bữa ăn chính của trẻ các loại thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, yến mạch, cơm, khoai tây ở dạng nghiền, cắt nhỏ hoặc nấu chín.

2.6. Thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh là các loại chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, tốt cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Dưỡng chất này cung cấp nguồn năng lượng dồi dào; đồng thời hỗ trợ trẻ hấp thu dễ dàng dưỡng chất thiết yếu. Bố mẹ nên bổ sung thực phẩm giàu chất béo như dầu oliu, bơ, cám gạo… trong khẩu phần ăn của con với hàm lượng hợp lý, từ đó giúp trẻ được phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, bố mẹ cũng phải cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, nhất là trong thời tiết nắng nóng hoặc khi trẻ bị sốt, nôn mửa. Tùy vào độ tuổi, hàm lượng nước bổ sung cho trẻ có thể khác nhau. Với trẻ lên 1 tuổi thì cần bổ sung 250ml nước mỗi ngày. Nếu sống ở vùng có khí hậu nóng hoặc trẻ vận động nhiều thì nhu cầu nước trong ngày có thể tăng lên.

3. Thực phẩm mẹ nên hạn chế cho trẻ 1 tuổi ăn

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi nên hạn chế nhóm thực phẩm nào? Đó là các loại thực phẩm chứa nhiều calo nhưng ít dinh dưỡng, cụ thể như:

3.1. Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ

Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ như khoai tây chiên, phô mai que hoặc bánh rán có thể tạo áp lực cho hệ tiêu hóa, dẫn đến trẻ dễ bị đầy hơi, buồn nôn, khó chịu. Ngoài ra, thực phẩm nhiều dầu mỡ nếu sử dụng lâu dài, có thể khiến trẻ tăng cân, béo phì mất kiểm soát. Do đó, để bảo vệ tiêu hóa non nớt của con, bố mẹ nên hạn chế bổ sung loại thực phẩm này.

lịch ăn cho bé 1 tuổi

3.2. Thức ăn mặn

Trẻ 1 tuổi chỉ cần 2g muối mỗi ngày. Nếu cho trẻ sử dụng thức ăn mặn, có thể làm tăng áp lực lên thận, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe sau này. Để tránh cho trẻ hấp thu nhiều muối, khi chế biến món ăn mẹ có thể thay muối bằng gia vị khác; đồng thời, hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn trong khẩu phần ăn của con hoặc tốt hơn là cho trẻ ăn kèm nhiều rau để cải thiện độ mặn.

3.3. Thực phẩm chứa nhiều đường

Các loại thực phẩm chứa nhiều đường không chỉ khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, mà còn khiến trẻ chán ăn. Để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh, ngoài hạn chế nêm đường vào chế độ ăn của trẻ, mẹ có thể thay thế đường bằng các loại gia vị khác như quế, vani, hạnh nhân.

3.4. Các loài cá béo có nồng độ thủy ngân cao

Những loài cá béo như cá hồi, cá mòi, cá trích… rất giàu axit béo Omega-3, tốt cho não bộ, trí nhớ và sức khỏe tim mạch. Vì vậy các chuyên gia khuyến nghị rằng nên cho trẻ ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. 

Tuy nhiên, tránh cho trẻ ăn các loại cá béo có nồng độ thủy ngân cao như cá thu vua, cá ngừ mắt to. Ngoài ra, cá kiếm, cá mập, cá tráp cam, cá ngói… cũng có thủy ngân, không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

3.5. Đậu phộng

Đậu phộng là tác nhân phổ biến gây ra dị ứng nghiêm trọng ở trẻ. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi, bố mẹ nên loại trừ đậu phộng, nếu như trẻ có biểu hiện bị suyễn, viêm mũi dị ứng khi bổ sung thực phẩm này.

3.6. Các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹn

Do trẻ 1 tuổi chưa thể tự nhai nhỏ thức ăn nên bố mẹ phải hạn chế các loại thực phẩm như xúc xích, rau sống, nho, pho mát cứng, bỏng ngô và các loại hạt, để tránh tình trạng trẻ bị hóc, nghẹn.

4. Lời khuyên cho bố mẹ khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Ngoài nắm rõ các nhóm thực phẩm nên và không nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi, bố mẹ hãy tham khảo thêm lời khuyên hữu ích sau đây:

   • Thiết kế chế độ ăn khoa học: Thiết lập chế độ ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn 1 tuổi.

   • Chế biến thức ăn từ mềm đến cứng: Phụ huynh hãy chế biến thức ăn dạng nghiền, cắt nhỏ để trẻ dễ nuốt, dễ hấp thu. 

   • Không nêm nếm quá nhiều gia vị: Khi chế biến thức ăn cho trẻ, mẹ nên hạn chế nêm quá nhiều gia vị, để đảm bảo vị ngon tự nhiên của thức ăn và an toàn cho sức khỏe của con. 

   • Đừng hạn chế chất béo trong thực đơn của trẻ 1 tuổi: Chế độ ăn ít chất béo không phù hợp cho trẻ 1 tuổi. Để trẻ có đủ dưỡng chất, mẹ vẫn nên bổ sung thực phẩm chứa chất béo tốt trong bữa ăn của con.

   • Tập trung khi ăn: Tập trung khi ăn giúp trẻ ăn ngon miệng, giảm nguy cơ mắc nghẹn. Do đó, bố mẹ hãy tập thói quen này cho con càng sớm càng tốt.

   • Ngừng ăn khi no: Không nên ép trẻ ăn thêm thức ăn khi đã no, điều này khiến trẻ khó tiêu, nôn mửa sau khi ăn. Hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều cữ, để trẻ hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tránh tình trạng đầy bụng. 

   • Cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình: Điều này giúp quan hệ gia đình trở nên khăng khít, trẻ cũng cảm thấy vui hơn khi dùng cơm với người thân, từ đó ăn uống ngon miệng.

Hy vọng với thông tin về chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi trong bài viết trên đây, các phụ huynh đã có thể tự tin xây dựng thực đơn ăn dặm phù hợp với trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng phải cho trẻ uống sữa mỗi ngày, để đảm bảo con được hấp thu đầy đủ dưỡng chất, từ đó phát triển ổn định và khôn lớn khỏe mạnh.

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ

Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Dấu hiệu sớm và cách khắc phục

Nếu chẳng may trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thì việc nhận biết dấu hiệu sớm sẽ phần nào tăng tỷ lệ khắc phục kịp thời, giúp con yêu cải thiện trí não. Hãy cùng Friso tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này ở trẻ để có thêm kiến thức nuôi con hữu ích hơn qua bài viết sau đây nhé!