Trẻ sơ sinh hay khóc đêm phải làm sao? 6 mẹo dỗ trẻ khóc đêm
Trẻ sơ sinh khóc đêm là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp phải vấn đề sức.... read more
Cột mốc phát triển đầu tiên là trẻ biết nâng đầu của mình lên khi nằm sấp. Vào cuối tháng thứ 2 con có thể ngẩng đầu 45 độ, sau đó dần dần phần cổ cứng cáp hơn, trẻ giữ được đầu ổn định và nâng được lên 90 độ. Ở tháng thứ 6, trẻ có thể xoay đầu qua lại để quan sát và kiểm soát được cử động đầu hoàn toàn ở cuối tháng thứ 7.
Ở cuối tháng thứ 3, trẻ bắt đầu ê a vài tiếng với những nguyên âm đơn như Ah, Eh, Oh. Đến tháng thứ 6, con phát ra những tiếng có phát âm phức tạp hơn như Aaoo, Eeaa, muh-muh. Vào tháng thứ 9, trẻ biết bập bẹ được những từ đơn giản như baba, mama và khi được 1 tuổi thì có thể gọi ba, mẹ rất rõ ràng.
Ở tháng thứ 2, trẻ có thể cười toe toét cùng với đôi mắt mở to và sáng rực. Khi lớn hơn, trẻ sẽ biết mỉm cười vui vẻ khi nhìn thấy ba mẹ, người quen, các món đồ yêu thích hay khi có ai đó chọc cười trông rất đáng yêu.
Trẻ biết lật để nằm sấp khi được 4 tháng tuổi. Đến tháng thứ 6, con có thể lật thành thục, lăn liên tục để di chuyển đến nhiều chỗ. Đồng thời cơ bụng của trẻ lúc này cũng trở nên cứng cáp và khỏe hơn.
Ban đầu khi mới biết ngồi, trẻ ngồi chưa được vững, cần có ba mẹ đỡ ở đằng sau. Tháng thứ 6, trẻ ngồi cứng cáp hơn, không cần ba mẹ trợ giúp và đến tháng thứ 9, con có thể ngồi được một mình từ 7 - 10 phút.
6 - 8 tháng tuổi là giai đoạn mà trẻ biết bò, bắt đầu là hoạt động dùng tay nâng ngực, tập trườn rồi đến bò một cách thành thạo. Lúc này các cơ bắp ở tay của trẻ phát triển và cứng chắc hơn, hỗ trợ cho con khi tập chống tay để đứng dậy sau này.
4 tháng tuổi, trẻ có thể đẩy chân xuống đất khi được ba mẹ giữ thẳng đứng, không còn co chân lên giống như lúc trước. Đến 6 tháng tuổi, trẻ đứng được vững hơn khi có sự trợ giúp và có thể bám vào đồ vật để đứng ở tháng thứ 9. Khi được 1 tuổi, con có thể tự đứng dậy mà không cần ba mẹ hỗ trợ.
Khi trẻ đã đứng được vững, con sẽ tập đi từng bước nhỏ và đến cuối tháng thứ 11, trẻ có thể đi vững hơn với sự trợ giúp từ ba mẹ. Hơn 1 tuổi, kỹ năng đi của trẻ sẽ dần được hoàn thiện, con tự đi được mà không cần bám vịn hay ba mẹ dìu dắt.
6 tháng tuổi, bàn tay của trẻ bắt đầu có phản xạ, có thể cầm được đồ vật nằm trên bề mặt phẳng. Sau đó, trẻ dùng được ngón cái và ngón trỏ để cầm các vật nhỏ ở cuối tháng thứ 7. Đến tháng thứ 12, kỹ năng cầm nắm của trẻ tốt hơn, cầm chắc và các ngón tay trở nên linh hoạt.
Trẻ mọc những chiếc răng cửa đầu tiên ở hàm dưới (khi 7 - 8 tháng tuổi) và hàm trên (khi 9 - 10 tháng tuổi). Còn các răng khác sẽ mọc dần ở tháng thứ 11 - 13. Ở năm đầu tiên, trẻ có tổng cộng 8 chiếc răng gồm 4 răng phía trước ở hàm trên với 4 răng hàm dưới.
>>> Xem thêm: Trẻ mấy tháng mọc răng? Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc
Trong 6 tháng đầu đời, thức ăn chủ yếu của trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Nhưng từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ đã có thể ăn dặm với bột, cháo, rau củ quả từ dạng lỏng mềm đến đặc cứng. Nhờ vậy mà cơ hàm của trẻ phát triển, kỹ năng nhai nuốt cũng như dùng tay bốc thức ăn trở nên tốt hơn. Chưa kể, phản xạ buồn nôn khi đưa thức ăn vào miệng của trẻ cũng mất dần giúp con thích nghi với thức ăn dễ dàng.
Trẻ có thể nghe được âm thanh và quay đầu về phía có âm thanh ở tháng thứ 2. Đến tháng thứ 3, trẻ xác định được chính xác nơi phát ra âm thanh và có phản ứng cơ thể với âm thanh khi được 6 tháng tuổi. Hơn nữa, khi trẻ lớn hơn, con có thể nhận biết được giọng nói của ba mẹ, người thân và bắt chước những âm thanh nghe được.
Hai tháng đầu, nhãn cầu của trẻ chưa ổn định, chưa tập trung vào một vật thể nhất định. Cuối tháng thứ 2 - 4, trẻ có thể nhìn mọi thứ tốt hơn theo trục dọc, trục xoay, phối hợp tay với mắt và có khả năng nhìn hoàn thiện. Từ tháng thứ 5 - 9, trẻ biết được các gương mặt quen thuộc, có thị giác màu sắc như người lớn, xác định được khoảng cách, kết hợp tay mắt khi bò trườn.
4 tháng tuổi, trẻ biết về nguyên nhân - kết quả, tò mò về kết quả khi thực hiện một hành động nào đó hay biết được tên của đồ vật. Sau 7 tháng, trẻ biết rằng đồ vật không biến mất khi giấu đi, thích chơi trò tìm đồ, bắt chước người khác. Đến khi 1 tuổi, trẻ biết rõ tên cũng như đặc điểm của một số đồ vật và trở nên nhanh nhạy khi quan sát mọi việc xung quanh.
Trong giai đoạn phát triển của bé 0 - 1 tuổi, con biết được ba mẹ là người chăm sóc cho mình, hay cười và thích vui đùa với người thân, chỉ cần nghe tiếng ba mẹ là ngừng khóc. Khi được 6 tháng tuổi, trẻ phân biệt được người lạ, trở nên nhút nhát khi ở gần người lạ. 8 tháng tuổi là thời điểm mà trẻ có sự phát triển lớn về mặt cảm xúc, con biết được ba mẹ mang lại cảm giác an toàn, nếu không thấy ba mẹ trẻ sẽ khóc nhiều hơn.
Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều và thời gian ngủ sẽ giảm dần khi con lớn hơn. Ở 2 tháng đầu, giờ ngủ ban ngày bằng với ban đêm, 6 tháng tuổi thì trẻ ngủ khoảng 4 giờ ban ngày và 8 - 9 giờ ban đêm, khi được 1 tuổi thì ngủ 3 giờ ban ngày và 11 giờ ban đêm. Việc ngủ đủ giấc trong giai đoạn này giúp trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện.
Việc nắm rõ các mốc phát triển của trẻ sơ sinh giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của con yêu, đồng thời theo dõi được tình trạng sức khỏe và có cách chăm sóc phù hợp để đảm bảo con luôn khỏe mạnh.