Hướng dẫn 5 cách rửa mũi cho trẻ tại nhà an toàn
Vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách giúp con yêu giảm sự khó chịu do nghẹt m.... read more
Các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ có những đặc trưng điển hình theo lứa tuổi. Cụ thể:
Đây là giai đoạn trẻ sơ sinh mới chào đời, đang bắt đầu làm quen với những biến đổi về ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… của môi trường bên ngoài nên tâm lý chưa ổn định, còn lạ lẫm với môi trường xung quanh. Chưa kể, lúc này trẻ chưa biết nói mà chủ yếu giao tiếp bằng ánh mắt và tiếng kêu của mình. Chính vì thế, phụ huynh cần hỗ trợ cho trẻ những nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, vệ sinh… đặc biệt người mẹ cần tiếp xúc da kề da thường xuyên với con. Điều này giúp bé cảm nhận được sự yêu thương của người thân, từ đó hình thành nhân cách và phát triển tâm lý tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Mặc dù vậy, bố mẹ không nên quá chiều chuộng hay đáp ứng mọi nhu cầu của con. Thay vào đó, hãy giúp trẻ hình thành thói quen kỷ luật từ sớm như uống sữa đúng cữ, sắp xếp đồ dùng trẻ gọn gàng, cho con ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Bố mẹ có biết: Thời gian ngủ của trẻ trung bình bao nhiêu tiếng 1 ngày?
Ngoài ra, nếu nhận thấy trẻ bỗng dưng có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu và bực bội với mọi thứ xung quanh… rất có thể con đang bước vào tuần khủng hoảng (wonder week). Bố mẹ cần lưu tâm để có giải pháp chăm sóc phù hợp, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và não bộ sau này.
Trong các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ, từ 1 đến 3 tuổi là thời điểm “vàng” để con hình thành ý thức. Thông qua quá trình khám phá và tiếp xúc, trẻ không chỉ biết bộc lộ cảm xúc rõ ràng mà còn nhanh chóng tiếp thu và phát triển ngôn ngữ nói của mình.
Theo đó, ở cột mốc 1 tuổi, bạn có thể cảm nhận bé luôn muốn được ở bên bố mẹ. Nếu một khoảng thời gian trẻ không thấy bố mẹ, trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng, lo lắng và bắt đầu khóc. Đồng thời, con có thể gọi ‘ba’, ‘ma’… kèm theo các hoạt động giao tiếp phi ngôn ngữ như chỉ tay, huơ chân, hoặc ném đồ vật để biểu thị rõ hơn cho lời nói.
Với trẻ 2 - 3 tuổi, bố mẹ không khỏi bất ngờ khi giờ đây con đã biết diễn đạt tâm trạng qua các câu đơn giản hay những hành động như ôm, hôn… Trẻ cũng hiểu những gì người lớn nói tốt hơn và bắt đầu học theo các hành động và cách cư xử của mọi người xung quanh. Do đó, đôi lúc bố mẹ có thể thấy con có biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2, với hành vi chống đối, chỉ muốn làm theo ý mình và tâm trạng vui buồn thất thường. Tình trạng này có thể kéo dài và trở thành khủng hoảng tuổi lên 3. Tốt nhất, phụ huynh nên chú ý đến cách ứng xử của bản thân, đồng thời tìm hiểu kỹ nguyên nhân và dấu hiệu thường gặp của thời kỳ này, để đồng hành cùng con vượt qua một cách suôn sẻ.
Tham khảo: Trẻ 2 tuổi quấy khóc không rõ nguyên nhân: Mẹ nên làm gì?
Thông thường, thời điểm này trẻ đã bước vào môi trường mầm non và mở rộng mối quan hệ hơn là thầy cô, bạn bè. Qua sự tiếp xúc và giáo dục hằng ngày, trẻ sẽ trở nên nhạy bén với tất cả những sự việc diễn ra xung quanh cũng như biết cách sử dụng đồ vật thuần thục, vốn từ tăng nhanh, biết nói thành câu và kể chuyện. Đồng thời, con cũng thích kết bạn và trò chuyện với người khác, sẵn lòng chia sẻ trong các hoạt động nhóm.
Chưa kể, vì đã có thể di chuyển linh hoạt nên trẻ rất hiếu động và thích khám phá thế giới xung quanh. Điều này cũng lý giải vì sao trong các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ 3 - 6 tuổi, bố mẹ có thể thấy con rất thích thú trong các hoạt động trò chơi, hay đặt những câu hỏi tại sao và bắt đầu đưa ra ý kiến riêng của mình.
Dành cho bố mẹ: Trẻ 3 tuổi nên học gì để thông minh, lớn khôn?
Bước sang độ tuổi 6 - 11 tuổi, hoạt động chủ yếu của trẻ là học tập, ghi nhớ và tư duy. Với điều kiện tiếp xúc thân quen từ môi trường học đường, ngôn ngữ của trẻ không chỉ dừng lại ở các từ ngữ sinh hoạt hằng ngày mà còn bao hàm các khái niệm khoa học trừu tượng. Đi cùng sự phát triển ngôn ngữ, giai đoạn này trẻ cũng dần hình thành nhân cách, thói quen và nếp sống.
Trong đó, trẻ từ 6 đến 11 tuổi bắt đầu biết thấu hiểu cảm xúc, nhận ra góc nhìn của người khác có thể khác với góc nhìn của mình, có những suy nghĩ hợp lý về những điều cụ thể trong trải nghiệm thường ngày (phải đi học để trang bị kiến thức), hiểu các quy luật xã hội (như người đàn ông có thể là bố, con trai, thầy giáo hay người bạn)… Chính vì thế, nếu muốn tác động tích cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ em ở giai đoạn này, bố mẹ cần đóng vai trò là tấm gương mẫu mực để con noi theo (như nói lời cảm ơn và xin lỗi, lịch sự khi giao tiếp, kính trên nhường dưới… và nói lời yêu thương, nhẹ nhàng với con trẻ nhiều hơn).
Đừng bỏ lỡ: Bé trưởng thành từ những câu khích lệ, động viên của bố mẹ
Đây là một trong các giai đoạn tâm lý của trẻ diễn biến khá phức tạp và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhằm chuẩn bị cho quá trình dậy thì, trưởng thành. Đa phần, trẻ thanh thiếu niên sẽ dành thời gian nhiều cho bạn bè hơn, nên các yếu tố như tính cách, sở thích, quần áo, gu âm nhạc của trẻ thanh thiếu niên sẽ được hình thành thông qua những người bạn của mình.
Bên cạnh đó, giai đoạn từ 11 đến 16 tuổi cũng là lúc trẻ khá nhạy cảm với lời đánh giá từ người khác. Vì vậy, trẻ có thể tự cao, tự mãn khi nhận được những lời khen có cánh; nhưng cũng có thể tự ti, rụt rè nếu bị chê trách. Song song, trẻ ngày càng có nhu cầu khẳng định sự độc lập của bản thân, không thích làm điều được yêu cầu và bắt đầu biết lựa chọn ngành nghề dựa vào sở thích, ước mơ.
Sự phát triển tâm lý trẻ em trong giai đoạn từ sơ sinh đến khi vị thành niên đóng vai trò nền tảng tạo nên nhân cách của trẻ về lâu dài. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bố mẹ luôn phải đồng hành, làm bạn cùng con để sớm phát hiện những dấu hiệu tâm lý bất thường ở trẻ, từ đó có giải pháp kịp thời. Đồng thời, để hỗ trợ con phát triển tâm lý một cách tốt nhất, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình chăm sóc, hãy:
• Khen ngợi, động viên khi trẻ hoàn thành công việc mặc dù có khó khăn.
• Tránh la rầy, áp đặt trẻ theo quan điểm riêng của mình vì việc này sẽ hình thành tâm lý chống đối ở trẻ và khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm.
• Hướng dẫn trẻ cách tư duy độc lập, phân tích vấn đề dựa trên quan sát, đánh giá bằng cách đưa trẻ đi nhiều nơi, cho trẻ tiếp xúc với nhiều người xung quanh.
• Động viên trẻ chia sẻ cảm xúc, nói về những suy nghĩ với bố mẹ.
• Cho con có cơ hội bày tỏ sự nóng giận hoặc các cảm xúc khác.
• Duy trì sự giao tiếp cởi mở, luôn luôn lắng nghe mỗi khi con nói chuyện, bày tỏ ý kiến.
• Kiểm soát tốt hành vi và cảm xúc của mình trong mọi tình huống xảy ra để con có thể học tập và noi gương theo.
• Cho trẻ tham gia các trò chơi nhập vai ngành nghề để vừa thư giãn, vừa học được các quy tắc chuẩn mực xã hội.
Đặc biệt trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa và đề kháng của trẻ còn vô cùng non yếu, dễ bị tấn công gây ra các triệu chứng như bụng đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, cảm lạnh… Điều này khiến con khó chịu, ngủ không ngon, ăn uống kém dẫn đến tâm lý cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, làm con bắt đầu cáu gắt, la hét, khóc lóc và dễ rơi vào trạng thái “khủng hoảng”. Do đó, bên cạnh việc dành thời gian để thấu hiểu, cha mẹ đừng quên chú trọng dinh dưỡng để xây dựng cho trẻ một nền tảng thể chất tốt nhé.
Qua những chia sẻ về các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ em, có thể thấy vai trò của mỗi bố mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban… thì cần là một “người bạn đồng hành” để thấu hiểu, nắm bắt những thay đổi về tâm lý. Từ đó có thể chia sẻ, đồng cảm và định hướng suy nghĩ của con phát triển theo chiều hướng tích cực nhất!