Nhảy đến nội dung
trẻ sơ sinh ngủ ngáy

Trẻ sơ sinh ngủ ngáy: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Trẻ sơ sinh ngủ ngáy xảy ra do đường thở của cổ họng bị tắc nghẽn gây rối loạn thở. Để khắc phục, cha mẹ nên cho trẻ bú sữa nhiều hơn, nhỏ mũi, thay đổi tư thế ngủ…

Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có sao không là mối lo ngại của nhiều phụ huynh, nhất là những ai lần đầu làm cha mẹ. Đa phần, không phải mọi trường hợp trẻ ngáy khi ngủ đều nguy hiểm, nhưng cha mẹ cần có những hiểu biết về nguyên nhân gây nên tình trạng này, qua đó có thể chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.

1. Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Ngủ ngáy là hiện tượng cấu trúc của hệ hô hấp bắt đầu rung lên do xuất hiện vật cản ở đường thở, khiến không khí không thể lưu thông tự do. Lúc này, khi trẻ hít vào hoặc thở ra, mô xung quanh đường thở sẽ rung lên và phát ra những âm thanh khó chịu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà âm thanh ấy có thể nhỏ hoặc to, nhưng rất dễ nghe thấy.

trẻ sơ sinh ngủ ngáy khò khè

 

2. Tại sao trẻ sơ sinh ngủ ngáy?

Có rất nhiều yếu tố có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến chứng ngủ ngáy. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh ngủ ngáy:

2.1. Nhiễm trùng đường hô hấp trên

Trẻ bị cảm cúm và nghẹt mũi rất dễ xuất hiện tình trạng ngủ ngáy khò khè, hay quấy khóc, có thể sốt, đau họng, kèm theo ho… Do dịch nhầy ứ đọng trong mũi nhiều sẽ cản trở quá trình hô hấp, khiến trẻ phát ra những tiếng ngáy liên tục.

2.2. Bệnh béo phì

Nhiều nghiên cứu phát hiện, trẻ thừa cân rất dễ có khả năng ngủ ngáy. Nguyên nhân vì béo phì khiến đường thở bị thu hẹp và làm tăng nguy cơ rối loạn ngưng thở khi ngủ, bao gồm chứng ngáy to.

2.3. Chất lượng không khí kém

Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc hoặc sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm có thể làm cơ quan hô hấp kém đi, trẻ hay thở khò khè và ngáy to khi ngủ.

2.4. Viêm amidan

Khi amidan sưng to hoặc phì đại sẽ vô tình làm chặn khả năng lưu thông của không khí trong đường thở, kết quả là trẻ sơ sinh ngủ ngáy, khó thở, thở hổn hển…

2.5. Mềm sụn thanh quản

Trẻ sơ sinh ngủ ngáy cũng có thể là triệu chứng của mềm thanh quản. Theo đó, cấu trúc thanh quản bị dị dạng khiến các mô rơi xuống cửa thông khí và chặn lại ngay tại vị trí, dẫn đến không khí khó lưu thông.

2.6. Dị ứng

Thời tiết, bụi, phấn hoa… là các yếu tố gây dị ứng có thể khiến cho các mô bên trong mũi và họng của trẻ bị viêm, tắc nghẽn, từ đó gây nên hiện tượng trẻ sơ sinh ngủ ngáy.

trẻ sơ sinh ngủ thở như ngáy

 

3. Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có nguy hiểm không? 

Việc trẻ ngủ ngáy có sao không sẽ phụ thuộc vào tần suất, mức độ nghiêm trọng và tác động của chứng ngủ ngáy. Phần lớn, nếu thỉnh thoảng trẻ mới ngủ ngáy, tiếng ngáy nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn không ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ hoặc sức khỏe tổng thể thì đây chỉ là hiện tượng bình thường, cha mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ ngáy với âm thanh quá lớn, kéo dài trên 3 ngày/tuần, da xanh xao, trẻ tăng cân dưới mức trung bình hoặc có hiện tượng ngưng thở khi ngủ thì cần đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám ngay, bởi đây là trạng thái hô hấp bất bình thường. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, như:

  • Chất lượng giấc ngủ đêm kém khiến trẻ khó tập trung, hay ngủ ngày, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não, lâu dần sẽ suy giảm trí nhớ.
  • Dễ bị đái dầm vì chứng rối loạn thở khi ngủ khiến quá trình sản xuất nước tiểu bị kích thích quá mức.
  • Thường xuyên mệt mỏi, lừ đừ, khiến trẻ ít vận động nên dễ mắc chứng béo phì.
  • Cơ thể chậm phát triển do khả năng sản xuất hormone tăng trưởng bị suy giảm.
  • Tăng nguy cơ đối mặt với các bệnh lý về phổi, rối loạn tim mạch, tăng huyết áp…

4. Trẻ sơ sinh ngủ ngáy, cha mẹ nên làm gì?

Tùy vào nguyên nhân, cách cải thiện chứng ngủ ngáy ở trẻ có thể khác nhau. Nếu trẻ sơ sinh ngủ ngáy là do một tình trạng sức khỏe hoặc bẩm sinh, thì nên đưa trẻ đi thăm khám sớm để có cách xử lý kịp thời. Trường hợp là do các yếu tố môi trường, cha mẹ có thể tham khảo một số cách cải thiện chứng ngủ ngáy ở trẻ tại nhà dưới đây:

4.1. Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn

Mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn vì điều này làm dịch tiết mũi loãng đi, giảm tình trạng nghẹt mũi. Ngoài ra, sữa mẹ bổ sung thêm kháng thể, giúp trẻ tăng cường miễn dịch, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp - một trong những nguyên nhân thường gặp của ngủ ngáy.

4.2. Nhỏ mũi cho trẻ

Để vệ sinh đường mũi cho bé dễ thở, mẹ hãy nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, ngày 2 - 3 lần. Nước muối sẽ giúp giúp làm loãng dịch tiết từ đó thông thoáng đường thở hơn.

4.3. Ngăn chặn tác nhân dị ứng

Để tránh các tác nhân dị ứng như bụi, khói thuốc lá, lông chó mèo… có thể kích ứng đường thở làm trẻ ngủ ngáy, phụ huynh nên thường xuyên thay ga giường, vỏ gối và giữ cho phòng ngủ của trẻ luôn thoáng khí, sạch sẽ. Lưu ý, không trang trí phòng bằng màn cửa quá nặng hoặc thảm dày, bởi chúng sẽ bám bụi nhiều.

cách chữa trẻ sơ sinh ngủ ngáy

 

4.4. Dùng máy tạo độ ẩm

Giữ độ ẩm trong phòng hợp lý cũng là cách cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ngáy, vì nếu không khí quá khô sẽ khiến dịch tiết của trẻ bị đặc lại. Do đó, cha mẹ hãy sử dụng thêm thiết bị tạo ẩm và tránh để trẻ trong máy lạnh quá nhiều.

4.5. Thay đổi tư thế nằm của trẻ

Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh ngủ ngáy là do nằm sấp hoặc nằm ngửa. Do vậy, mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng và kê gối giữ cho đầu cao để bé dễ thở hơn.

Nhìn chung, hiện tượng trẻ sơ sinh ngủ ngáy có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ, vì thế phụ huynh không nên xem nhẹ. Để ngăn ngừa tình trạng này, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

 

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
thời gian ngủ của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình: Nguyên nhân và giải pháp dành cho mẹ

Khi trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình, quấy khóc vào ban đêm, nhiều phụ huynh thắc mắc điều này liệu có đáng lo ngại không và đâu là giải pháp khắc phục hiệu quả. Để hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu đời, cũng như lý do tại sao bé ngủ hay giật mình, bố mẹ hãy tham khảo thông tin của bài viết dưới đây!