1. Táo bón - nỗi ám ảnh của mẹ có con nhỏ
Nếu thấy con đột nhiên giảm tần suất đi ngoài, chướng bụng, đầy hơi, bỏ bú, khó chịu, phân cứng và có màu xám đen thì có thể trẻ đã bị táo bón. Khi gặp tình trạng này, bố mẹ nên tìm cách xử lý kịp thời bởi nếu kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, biếng ăn,... thậm chí là suy dinh dưỡng và chậm phát triển.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón. Trong đó, trẻ ăn dặm (trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên) là lứa tuổi thường gặp các vấn đề về tiêu hóa nhiều nhất vì lúc này hệ tiêu hóa của con còn khá non nớt, chưa quen với những món ăn đặc hơn sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Không chỉ những trẻ mới tập ăn dặm bị táo bón mà trẻ chuyển từ bột sang cháo, cháo sang cơm nát, cơm nát chuyển cơm thường… cũng dễ mắc phải với nguyên nhân tương tự. Vì vậy, mẹ nên xây dựng thực đơn hợp lý, ưu tiên các món cháo giàu chất xơ, giúp đẩy lùi táo bón và có lợi cho hệ tiêu hóa trẻ.
2. [Giải đáp] Bé bị táo bón nên ăn cháo gì?
Dưới đây là 12 cách nấu cháo giàu chất xơ mà mẹ nên bổ sung vào thực đơn mỗi ngày của bé bị táo bón:
2.1. Cháo bí đỏ
Bí đỏ là thực phẩm không thể thiếu với trẻ bị táo bón vì giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Hơn thế nữa, ngoài thúc đẩy việc đi ngoài dễ dàng, bí đỏ còn giúp tăng cường trí thông minh, bổ não, sáng mắt cho trẻ nhỏ. Do đó, mẹ nên thường xuyên nấu cháo bí đỏ cho bé nhà mình nhé.
Nguyên liệu
- 100gr bí đỏ.
- 100gr lươn.
- 1 chén cháo trắng.
- 3 lát gừng mỏng.
- Dầu ăn cho trẻ em.
Cách chế biến
- Bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát rồi xay nhuyễn.
- Mẹ bỏ đầu và nội tạng lươn. Để khử mùi tanh, mẹ cho lươn và muối hạt vào túi nilon, sau đó tuốt sạch nhớt. Tiếp theo rửa lươn lại bằng nước cốt chanh và xả sạch lại bằng nước sạch, để ráo.
- Cho lươn và gừng cắt lát vào nồi nước, đun trên bếp đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, để sôi 5 phút.
- Khi lươn chín, mẹ vớt lươn và gừng ra, cho bí đỏ vào, nấu liu riu đến khi bí đỏ chín nhừ.
- Tách lấy thịt lươn và băm nhuyễn.
- Cho lươn và chén cháo trắng vào nồi nước bí đỏ. Khuấy đều đến khi thấy hỗn hợp sôi lên khoảng 1 phút là hoàn tất.
- Cho ra chén, trộn đều với chút dầu ăn dặm.
2.2. Cháo bắp cải trứng gà
Bắp cải là thực phẩm mà mẹ nên cho bé ăn thường xuyên nếu bé bị táo bón. Bởi trong bắp cải có chứa rất nhiều chất xơ giúp nâng cao tần suất co bóp ruột, cũng như giữ nước trong lồng ruột để phân mềm hơn, không bị khô cứng. Còn trứng gà lại giàu cholesterol, protein, chất béo, vitamin (D, E, B12) và khoáng chất (đồng, kẽm, Canxi) giúp trẻ phát triển trí não và thể lực.
Nguyên liệu
- 1 bát cháo trắng theo phần ăn của trẻ.
- Nửa lá bắp cải (1 lá nếu lá nhỏ).
- 1 quả trứng gà ta.
Cách thực hiện
- Trứng gà tách bỏ lòng đỏ trứng, đánh tan.
- Bắp cải rửa sạch, luộc rồi xay nhuyễn.
- Đun sôi cháo rồi cho bắp cải vào, khuấy đều. Khi bắp cải sôi khoảng 5 phút thì mẹ cho trứng gà vào, đánh đều tay.
- Đợi cháo sôi khoảng 2 - 3 phút thì tắt bếp.
2.3. Cháo khoai lang tím
Bé bị táo bón nên ăn cháo gì? Đừng bỏ qua cháo khoai lang vì món ăn này giúp bổ sung lượng chất xơ cần thiết cho bé, nhờ đó nhu động ruột hoạt động tốt, cho trẻ đi ngoài dễ dàng. Ngoài ra, khoai lang còn giàu vitamin B, C, sắt, Canxi cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Nguyên liệu
- 100gr khoai lang tím.
- 100gr thịt bò.
- 1 bát cháo theo nhu cầu của trẻ.
- Dầu ăn trẻ em.
Cách thực hiện
- Thịt bò rửa sạch, băm hoặc xay mịn. Sau đó mẹ nêm vào đó chút dầu ăn trẻ em để thịt mềm hơn.
- Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và rửa lần 2. Tiếp theo mẹ cắt nhỏ rồi xay nhuyễn.
- Đun sôi cháo, khi cháo sôi lăn tăn thì cho thịt bò và khoai lang vào, khuấy đều. Đợi đến khi cháo sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp.
2.4. Cháo cà rốt óc heo
Cà rốt cũng là một thực phẩm giàu chất xơ pectin giúp đẩy lùi tình trạng táo bón ở bé vô cùng hiệu quả. Chưa kể, cà rốt còn giàu vitamin A giúp con sáng mắt, hay Beta-carotene giúp tăng cường miễn dịch, phát triển vững vàng.
Nguyên liệu
- 100gr gạo.
- 30gr cà tốt.
- 20gr óc heo.
- 3 lát gừng mỏng.
- Dầu ăn dặm.
Cách chế biến
- Vo sạch gạo và ngâm vào nước ấm khoảng 2 giờ để gạo mềm.
- Cà rốt rửa sạch, bỏ vỏ, băm nhuyễn rồi nấu nhừ với 1 ít nước.
- Óc heo bỏ sạch tơ máu, ngâm với nước muối sau đó rửa lại thật sạch, để ráo.
- Tiếp theo, mẹ cho óc heo vào hấp cách thủy với 3 lát gừng. Khi óc heo chín thì tắt bếp, bỏ gừng, tán nhuyễn.
- Cho gạo vào nấu cùng 350ml nước, thỉnh thoảng khuấy đều tay đến khi cháo nhừ.
- Sau đó, mẹ cho óc heo và cà rốt vào cháo, khuấy đều và đợi hỗn hợp sôi khoảng 5 phút thì cho thêm chút dầu ăn dặm vào và tắt bếp.
2.5. Cháo rau chân vịt
Rau chân vịt (còn được gọi là cải bó xôi hay rau bina) là thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, kích thích nhu động ruột hoạt động, cho trẻ đi ngoài thoải mái. Vì thế, món cháo rau chân vịt cũng khá nhiều mẹ lựa chọn.
Nguyên liệu
- 2 thìa cafe gạo.
- 2 - 3 búp cải bó xôi.
Cách thực hiện
- Cải bó xôi rửa sạch, luộc và xay nhuyễn.
- Cho nước vào gạo theo tỷ lệ 10 nước : 1 gạo, nấu và khuấy đều đến khi thành hỗn hợp cháo nhừ.
- Cho rau đã xay vào cháo, khuấy đều đến khi sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp.
2.6. Cháo rau dền
Không thể bỏ qua rau dền khi gợi ý đến mẹ thực đơn bé bị táo bón nên ăn cháo gì. Bởi rau dền ngoài được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, còn mang lại hiệu quả nhuận tràng tốt nhờ chất xơ, vitamin (A, B, C) dồi dào cùng gần 10 loại axit amin. Hơn nữa, rau dền khi nấu với cháo còn cho màu hồng đẹp mắt khiến trẻ thích thú.
Nguyên liệu
- 100gr thịt bò.
- 100gr rau dền.
- 1 chén cháo trắng.
- Dầu ăn dặm.
Cách chế biến
- Thịt bò rửa sạch, xay nhuyễn.
- Rau dền ngắt lấy lá, rửa sạch, xay nhuyễn.
- Đun sôi cháo, đến khi cháo sôi lăn tăn thì cho thịt bò vào khuấy đều. Khi thịt chín, mẹ cho tiếp rau vào, để hỗn hợp sôi khoảng 2 - 3 phút thì cho dầu ăn dặm vào và tắt bếp.
2.7. Cháo ngao rau mồng tơi
Rau mồng tơi là một sự lựa chọn tuyệt vời khi mẹ muốn đẩy lùi chứng táo bón ở con. Bởi trong rau mồng tơi có chứa chất nhầy pectin giúp tiêu hóa tốt, đồng thời thúc đẩy nhu động ruột cho khối phân mềm hơn và dễ thải ra ngoài. Kết hợp với nghêu - thực phẩm giàu khoáng chất (như Canxi, sắt, kẽm) cũng giúp trẻ tăng cường đề kháng.
Nguyên liệu
- 300gr nghêu sống.
- 3- 5 lá rau mồng tơi.
- 1 chén cháo trắng vừa đủ theo nhu cầu ăn của bé.
Cách chế biến
- Nghêu mua về ngâm với chút muối khoảng 2 - 3 tiếng để nghêu nhả cát, sau đó rửa sạch.
- Luộc chín nghêu, tách lấy phần thịt rồi rửa sạch thịt nghêu với muối.
- Tiếp theo, phần thịt nghêu mẹ băm nhỏ, còn phần nước luộc nghêu thì mẹ để yên tầm 20 phút, sau khi cặn chìm thì lọc lấy phần nước trong bên trên.
- Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nước luộc nghêu và đun sôi khoảng 3 phút.
- Cuối cùng, cho thịt nghêu vào, khuấy đều, đợi sôi thì tắt bếp.
2.8. Cháo đậu bắp
Đậu bắp không chỉ là thực phẩm giàu chất xơ giúp phân mềm, dễ đi tiêu mà còn nhiều chất nhầy, có tác dụng bôi trơn và nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy nhuận tràng hoạt động tốt, cho bé thoát khỏi chứng táo bón đầy ám ảnh.
Nguyên liệu
Cách chế biến
- Dùng dao cạo đi lớp lông bên ngoài đậu bắp, rửa sạch, cắt đôi theo chiều dọc, bỏ hạt và xay nhuyễn.
- Cho gạo với nước theo tỷ lệ 1:10, bắt lên bếp, nấu nhừ.
- Sau khi cháo chín, mẹ cho đậu bắp đã xay vào, khuấy đều là hoàn thành.
2.9. Cháo bông cải xanh thịt bò
Bông cải xanh cực kỳ có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ vì chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhờ đó tăng cường hoạt động của nhu động ruột, thúc đẩy đại tiện hiệu quả.
Nguyên liệu
- 50gr thịt bò.
- 50gr bông cải xanh.
- 3 nắm nhỏ gạo tẻ.
- 1 nắm nhỏ gạo nếp.
- Dầu ăn dặm.
Cách chế biến
- Trộn gạo tẻ với gạo nếp, vo sạch và nấu với lửa nhỏ.
- Thịt bò thái mỏng, rửa sạch, băm nhỏ.
- Bông cải xanh ngâm với nước muối loãng 15 phút, rửa sạch và xay nhuyễn.
- Sau khi cháo nhừ, bạn cho thịt bò vào nấu chín. Sau đó cho bông cải xanh vào khuấy đều, đợi đến khi hỗn hợp sôi, bạn hạ lửa, cho dầu ăn vào, đợi 1 - 2 phút thì tắt bếp.
2.10. Cháo ngô (cháo bắp) trứng gà
Gợi ý tiếp theo trong danh sách bé bị táo bón nên ăn cháo gì là cháo ngô trứng gà. Từ xưa, ngô đã được biết đến là thực phẩm giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, ngô không có quá nhiều chất dinh dưỡng nên mẹ có thể bổ sung thêm trứng gà để giúp món ăn thêm thơm ngon.
Nguyên liệu
- 1 trái ngô (bắp).
- 1 chén cháo trắng.
- 1 quả trứng gà ta.
- Phô mai.
- Dầu ăn trẻ em.
Cách chế biến
- Ngâm gạo khoảng 30 phút, sau đó vo sạch và nấu cháo.
- Bắp tách hạt, rửa sạch, hấp chín rồi xay nhuyễn.
- Cho trứng gà ra chén, đánh đều.
- Khi cháo nhừ, mẹ cho trứng gà, phô mai và bắp đã xay vào, khuấy đều tay là hoàn tất.
2.11. Cháo đậu que, táo hấp nghiền
Không thể bỏ qua đậu que nếu mẹ muốn tìm loại rau trị táo bón cho trẻ. Theo nhiều nghiên cứu, trong 110gr đậu que có thể cung cấp đến 15% chất xơ cần có, giúp đẩy lùi các bệnh về tiêu hóa ở trẻ như táo bón, trào ngược axit,... Kết hợp với chất xơ không hòa tan pectin có trong táo cũng giúp tăng cường lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy nhu động ruột làm việc hiệu quả.
Nguyên liệu
- 2 - 3 cây đậu que.
- 2 thìa cafe gạo.
- ⅛ quả táo.
Cách chế biến
- Cho gạo và nước vào nồi theo tỷ lệ 1:10 và bắt đầu nấu cháo.
- Đậu que rửa sạch, luộc chín, cắt nhỏ và xay nhuyễn. Để cháo mịn hơn, mẹ nên lọc đậu que qua rây.
- Khi thấy cháo nhừ, bắt đầu sôi lăn tăn, mẹ cho đậu que vào khuấy đều.
- Táo gọt vỏ, rửa sạch, hấp cách thủy và nghiền nhuyễn cho bé ăn tráng miệng sau cháo.
2.12. Cháo bồ câu hạt sen nghiền
Cuối cùng, không thể thiếu món cháo bồ câu hạt sen nghiền - một món cháo bổ dưỡng được nhiều mẹ bỉm kết hợp trong thực đơn ăn dặm hàng ngày của bé. Theo đó, hạt sen ngoài được biết đến với khả năng thanh nhiệt, giải độc cơ thể còn giúp trẻ đẩy lùi táo bón rất hiệu quả.
Nguyên liệu
- ½ con chim bồ câu.
- 100gr hạt sen tươi.
- 5gr gạo nếp.
- 100gr gạo tẻ.
- 20gr đậu xanh cà vỏ.
- 2 cây nấm hương.
- Dầu ăn trẻ em
Cách chế biến
- Hạt sen rửa sạch, loại bỏ tâm sen, hấp cách thủy rồi nghiền nhuyễn.
- Trộn gạo tẻ và gạo nếp, vo sạch.
- Ngâm hỗn hợp gạo và đậu xanh khoảng 1 - 2 tiếng cho mềm.
- Nấm hương sau khi ngâm nở thì rửa sạch, xay nhuyễn.
- Chim bồ câu rửa sạch với muối, lọc thịt và xay nhuyễn. Còn phần xương thì hầm với nước, đun với lửa lớn đến khi sôi thì hạ lửa liu riu.
- Cho gạo, đậu xanh, hạt sen, nấm hương vào nồi nước hầm, đun liu riu khoảng 1 tiếng cho cháo chín.
- Xào xơ thịt bồ câu với chút dầu ăn dặm đến khi thịt vừa chín tới thì cho vào cháo, khuấy đều. Nấu thêm khoảng 5 phút cho tất cả hòa quyện lại thì tắt bếp.
3. Một số lưu ý khác để giúp bé nhanh hết táo bón, đi ngoài dễ dàng
Ngoài cho bé ăn cháo với các thành phần giàu chất xơ, mẹ cũng nên lưu ý những điều dưới đây để giúp đẩy lùi chứng táo bón ở trẻ nhanh chóng:
- Nên kết hợp thêm những phương pháp khác như cho con uống nhiều nước, thường xuyên massage bụng và khuyến khích trẻ vận động,… để nhu động ruột hoạt động tốt hơn, tăng tốc độ đẩy phân ra ngoài.
- Không nên cho trẻ bị táo bón dùng các thực phẩm như thịt đỏ, bánh mì, ngũ cốc tinh chế,... bởi sẽ khiến tình trạng này thêm trầm trọng hơn.
- Trường hợp trẻ còn bú mẹ, mẹ nên có chế độ dinh dưỡng tốt để cho ra nguồn sữa mát và chất lượng hơn. Theo đó, một vài thực phẩm mẹ nên ăn khi trẻ sơ sinh bị táo bón là trái cây, rau củ, thịt, cá, trứng, sữa,...
Đến đây, chắc hẳn mẹ đã có lời giải đáp cho thắc mắc bé bị táo bón nên ăn cháo gì rồi nhỉ? Hy vọng với những thông tin bổ ích và gợi ý cách chế biến 12 món cháo giàu chất xơ trên, mẹ có thể xây dựng cho con thực đơn dinh dưỡng hàng ngày chất lượng, nâng niu hệ tiêu hóa non nớt của trẻ nhỏ.