Có nên cho trẻ uống tăng sức đề kháng và lời giải đáp
Sức đề kháng giữ vai trò rất quan trọng, được ví như “tấm chắn” tự vệ .... read more
Giai đoạn tập ăn thô ở trẻ là quá trình chuyển đổi từ thức ăn lỏng sang chế độ ăn đặc hơn nhằm giúp bé tiếp xúc và làm quen với thức ăn nguyên dạng như người lớn. Đồng thời, lúc này bé đã có thể cầm bốc bằng tay nên mẹ có thể cắt thức ăn thành các miếng nhỏ để bé cảm nhận thức ăn thô thật tốt bằng nhiều giác quan.
Thời điểm thích hợp để tập cho bé ăn thô nên bắt đầu từ lúc 6 tháng hoặc 8 - 9 tháng tuổi, khi mà bé đã hình thành phản xạ nhai nuốt tự nhiên và có hứng thú với thức ăn. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu ở mỗi bé sẽ khác nhau, bởi có bé thích nghi nhanh, có bé lại cần nhiều thời gian hơn để làm quen với loại thức ăn mới.
Nói đến ăn thô, nhiều mẹ lo lắng rằng ăn thô sớm ngay khi mới bắt đầu ăn dặm sẽ làm đau dạ dày của bé. Thực tế, tùy vào tình trạng của mỗi bé mà mẹ có thể cho con ăn thô sớm được. Vì quá trình tiêu hóa diễn ra rất phức tạp, gồm nhiều cơ quan phối hợp chứ không chỉ riêng dạ dày. Nếu bé nhai chưa kỹ đã nuốt, dạ dày sẽ đào thải cặn thức ăn không thể tiêu hóa, do đó nó không hề làm việc quá sức như nhiều người vẫn nghĩ.
Ngoài ra, mẹ cũng không nên cho bé ăn thô quá muộn vì điều này làm cho bộ nhai của con phát triển chậm. Về sau, việc tập cho bé nhai sẽ vất vả hơn bình thường và tốc độ chuyển đổi chế độ ăn cũng chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Để giúp bé phát triển kỹ năng nhai, nuốt và làm quen với nhiều dạng thức ăn ngay từ thời thơ ấu, mẹ tham khảo một số cách tập cho bé ăn thô đúng cách theo từng mốc giai đoạn quan trong sau:
Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, bé chuyển trực tiếp từ bú mẹ sang tập ăn dặm nên kỹ năng tốt nhất của con là nuốt chửng. Lúc này việc bắt đầu ăn thô giúp bé có được phản xạ của lưỡi, đưa và đẩy thức ăn từ trước ra sau rồi mới nuốt.
Cách chế biến thức ăn:
Mẹ nên nấu cháo loãng theo tỉ lệ 1:10 (gạo:nước) rồi rây qua lưới cho nhuyễn, nếu cháo quá đặc thì có thể thêm nước hầm rau củ để cháo loãng dễ ăn. Còn với rau củ quả, mẹ nên rây ngay sau khi luộc/hấp sẽ dễ dàng hơn.
Một số loại thực phẩm phù hợp với bé giai đoạn này là bí đỏ, khoai tây, khoai lang, cà rốt, bí ngòi, bí xanh, súp lơ, rau bina, rau ngót, rau dền, mướp, chuối, bơ, táo, xoài...
>>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng đầy đủ dinh dưỡng
Đây là giai đoạn bé đang thích nghi dần với quá trình ăn dặm. Lúc này, lưỡi của bé sẽ bắt đầu hình thành phản xạ đẩy thức ăn lên xuống giữa hàm trên và hàm dưới để làm tan thức ăn rồi mới nuốt.
Cách chế biến thức ăn:
Mẹ có thể nấu cháo cho bé theo tỉ lệ là 1:7 (gạo:nước) và không cần rây mịn nữa chỉ cần nghiền bằng muỗng là được. Với rau củ cũng vậy, sau khi luộc hoặc hấp chín, mẹ chỉ việc dùng nĩa nghiền nát hoặc thái hạt lựu nhỏ bằng hạt đậu rồi cho bé ăn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này bé đã có thể ăn được các loại thực phẩm như cá, thịt heo, thịt bò, ức gà, tôm sông, lươn, cua đồng, bồ câu… Tuy nhiên, thức ăn cần được băm hoặc xay nhuyễn để bé ăn không bị nghẹn.
>>> Đừng bỏ lỡ:
Kỹ năng ăn uống của bé giai đoạn 9 – 11 tháng có sự khác biệt ở hoạt động của lưỡi. Đồng thời, từ giai đoạn 6 tháng tuổi đến nay, bé đã có một khoảng thời gian đủ để làm quen với chế độ ăn mới. Nhờ đó kỹ năng nhai trở nên thành thục hơn dù cho hàm chưa mọc nhiều răng.
Cách chế biến thức ăn:
Mẹ đã có thể nấu cháo cho con đặc hơn với tỉ lệ 1:5 (gạo:nước) và cháo đặc nguyên hạt 1:3 (gạo:nước) khi trẻ được 11 tháng tuổi. Với rau củ, mẹ có thể cắt từng miếng to hơn hạt đậu một chút. Đối với nhóm cung cấp chất đạm, các món hấp, xào, luộc, chiên... bé đều có thể ăn được.
Một số thực phẩm mới bé ăn được trong giai đoạn này là cá biển, hải sản (tôm, cua, mực), nội tạng (tim, gan)…
>>> Bài viết có liên quan: Trẻ 11 tháng biết làm gì và cách chăm sóc con được khỏe mạnh
Vào giai đoạn này, phần lợi của bé đã phát triển ổn định với lực nhai mạnh hơn và đầu lưỡi cũng có thể di chuyển linh hoạt trong khoang miệng. Vì thế bé có thể thoải mái ăn thức ăn cứng, nhai tốt và nuốt nhanh hơn.
Cách chế biến thức ăn:
Mẹ nên chế biến thức ăn thành nhiều hình dạng, tăng độ thô để bé tập nhai. Lúc này, mẹ có thể cho bé ăn cơm hạt như người lớn, rau củ vẫn phải cắt nhỏ tầm 1cm và nhóm thực phẩm khác được phép kết hợp với các loại bột chiên, gia vị nhạt để làm đa dạng món ăn.
Thực đơn của bé 12 - 18 tháng tuổi có thể thêm vào các loại hải sản vỏ cứng như sò, hến, hào, nghêu…
Bé ăn thô bị nôn ọe: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục? Bé bị nôn ọe khi ăn thô là do cơ thể vốn đã quen với sữa mẹ loãng, nên khi mới bắt đầu làm quen với thức ăn dặm khiến cơ thể nhạy cảm hơn, cho rằng thức ăn không an toàn và tự đào thải ra ngoài. Hơn nữa, bé nôn ọe còn có thể đến từ việc mẹ chế biến thức ăn không đúng cách, món ăn quá thô cứng khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên cho bé làm quen dần với sự đồng đều của thực phẩm thô. Tức là khi chế biến món ăn cho bé như cháo hoặc rau củ hầm thì phải xay hoặc nghiền mịn chứ không được để cục lổn nhổn. Bên cạnh đó, mẹ hãy để bé tự xúc trong suốt bữa ăn vì con có phản xạ nôn ọe do cơ thể nhạy cảm thường ít gặp sự cố hơn nếu được tự xúc đồ ăn. |
Muốn thực hiện những cách tập cho bé ăn thô hiệu quả, mẹ cần lưu ý những điều như:
• Không nên cho bé ăn quá nhiều loại thức ăn thô cùng 1 lúc.
• Không chọn thực phẩm dễ gây hóc nghẹn và gây dị ứng.
• Chọn nguồn thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh.
• Chế biến thức ăn mềm vừa phải để bé nhai dễ dàng.
• Không ép bé ăn khi con đã no, không muốn ăn nữa.
• Bình tĩnh xử lý khi bé ọe, hóc thức ăn.
• Duy trì cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức để nạp đủ dưỡng chất.
Đối với bé ở giai đoạn ăn thô, nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa mẹ/sữa công thức. Mẹ cho bé ăn các loại thực phẩm khác nhưng cũng đừng quên bổ sung đủ lượng sữa mỗi ngày để con hấp thu đầy đủ dưỡng chất, phát triển tối ưu. Nếu bé sử dụng sữa công thức, mẹ nên ưu tiên chọn sản phẩm chứa nhiều chất xơ, đạm mềm nhỏ để bé tiêu hóa tốt, hấp thu nhanh, tạo nền tảng sức khỏe vững vàng và phát triển khỏe mạnh.
Ăn thô là một mốc quan trọng trong quá trình ăn dặm của bé. Bất kì phương pháp nào cũng vậy, mẹ nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng để con ăn ngon hơn, giảm tình trạng biếng ăn và phát triển khỏe mạnh. Hy vọng những chia sẻ về cách tập cho bé ăn thô qua bài viết vừa rồi sẽ giúp mẹ có thêm nhiều kiến thức hữu ích để xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh cho con yêu của mình nhé.