Phát triển các giác quan của bé thông qua trò chơi đơn giản
Phát triển các giác quan của bé trong những tháng năm đầu đời vô cùng .... read more
Khả năng ngôn ngữ tự nhiên của trẻ được hình thành ngay từ khi mới sinh ra. Lúc này, trẻ giao tiếp với cha mẹ thông qua “ngôn ngữ không lời” là tiếng khóc. Đến khi được 3 - 4 tháng tuổi, trẻ mới bắt đầu tập nói thật sự. Quá trình này diễn ra trong vòng 3 năm đầu tiên với nhiều thay đổi liên tục về cột mốc ngôn ngữ, càng chứng minh cho khả năng học hỏi và tiếp thu nhanh ở trẻ.
Khi được 3 tháng tuổi, trẻ có xu hướng lắng nghe và quan sát khẩu hình miệng của cha mẹ mỗi khi nói chuyện. Nhiều trẻ còn có hứng thú với giai điệu từ bài hát thường nghe, âm thanh của cuộc sống xung quanh hoặc thích giọng nói của nữ giới hơn là nam giới. Đến khi được 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu bập bẹ âm thanh khác nhau và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ở cột mốc 6 tháng tuổi, trẻ đã nói được các từ “ba-ba”, “ma-ma”. Đến cuối tháng thứ 6 - đầu tháng thứ 7, trẻ có thể phản hồi khi được nghe gọi tên hoặc sử dụng giọng nói để bày tỏ cảm xúc vui, buồn, sợ hãi và tức giận.
Trẻ 9 tháng tuổi đã hiểu và sử dụng được các từ đơn giản như “xin chào”, “tạm biệt” hoặc thậm chí là từ “không”. Ngoài ra, trẻ bắt đầu phát ra âm thanh ở tông giọng khác nhau. Đây cũng là một trong những dấu hiệu trẻ sắp biết nói mà phụ huynh cần lưu ý.
Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể cảm nhận trẻ nói nhiều hơn so với trước đây. Các từ đơn giản như “ma-ma”, “ba-ba” giờ đây trẻ đã hiểu được là đang nói về cha mẹ. Đồng thời, trẻ bắt đầu hiểu một số yêu cầu như “không”, “ngồi xuống”, nhưng điều này không đồng nghĩa trẻ có thể làm theo.
Trẻ 18 tháng tuổi đã biết chỉ vào đồ vật, bộ phận trên cơ thể và những người thân trong gia đình để đặt tên. Khi cha mẹ nói chuyện, trẻ còn có thể ghi nhớ, lặp lại được âm thanh đã nghe. Tuy nhiên, thời điểm này trẻ vẫn chưa nói được tròn vành rõ chữ. Ví dụ như thay vì nói “uống nước”, trẻ thường nói “nuốt ước”, “ngồi xuống” thì trẻ có thể nói “ngồi chuống”.
Tròn 2 tuổi, trẻ đã biết kết hợp các từ với nhau để tạo thành một cụm ngắn, ví dụ như “tạm biệt mẹ”, “cho con sữa”. Lúc này, cha mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con nguyên câu, như vậy có thể giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp tốt hơn.
Tìm hiểu thêm: Bé 2 tuổi biết làm gì và lời khuyên nuôi dạy bé hiệu quả
Ở cột mốc 3 tuổi, vốn từ vựng của trẻ được mở rộng nhiều hơn. Trẻ bắt đầu nói câu dài, giải thích nghĩa của các từ “buồn”, “hạnh phúc”, thậm chí là tường thuật lại mọi việc đã xảy ra mỗi khi cha mẹ vắng nhà.
Xem thêm: Trẻ 3 tuổi nên học gì để thông minh lớn khôn và khỏe mạnh?
Như vậy, qua thông tin ở phần 1, cha mẹ đã nắm rõ được trẻ mấy tháng biết nói chuyện. Đa phần các trẻ đều phát triển ngôn ngữ theo trình tự thời gian trên đây. Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp trẻ có thể chậm nói hơn so với bình thường. Dấu hiệu để cha mẹ nhận biết trẻ chậm nói bao gồm:
• Trẻ không cố gắng giao tiếp với người thân (như là sử dụng âm thanh, cử chỉ hoặc lời nói).
• Vốn từ vựng của trẻ bị hạn chế, không thể diễn đạt rõ ràng mong muốn và nhu cầu cá nhân.
• Trẻ không thể bắt chước được âm thanh, đồng thời phản ứng chậm trước yêu cầu cơ bản như “con ăn cơm chưa”, “con có khát nước không”.
• Trẻ gặp khó khăn khi ghép các từ đơn với nhau, không thể nói được một câu hoàn chỉnh.
• Trẻ có giọng nói khác thường (nghe the thé hoặc giống như giọng mũi).
Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ đi khám với bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi, tình trạng chậm nói nếu kéo dài, không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Thông thường, qua thăm khám, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chậm nói và điều trị các chứng rối loạn về thính lực, giọng nói hoặc ngôn ngữ, từ đó cải thiện kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
Ngược lại với trẻ nói chậm, nhiều trẻ đã biết nói, thậm chí nói thành thạo hơn so với giai đoạn phát triển thông thường. Theo đó, dấu hiệu trẻ biết nói sớm bao gồm trẻ hiểu được lời nói của mọi người, cố gắng nói chuyện và đáp lại với yêu cầu cơ bản của cha mẹ. Điều này làm cho không ít phụ huynh thắc mắc trẻ biết nói sớm liệu có phải thông minh hơn không.
Trên thực tế, vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh rõ ràng về vấn đề này. Đa phần trẻ biết nói sớm là do cha mẹ thường xuyên tương tác, cho con tiếp xúc nhiều hơn với môi trường xung quanh, nhờ đó khả năng ngôn ngữ của trẻ được phát triển.
Như vậy, trẻ biết nói sớm không có nghĩa là trẻ thông minh. Thay vào đó, sự thông minh ở trẻ phụ thuộc vào yếu tố như di truyền, môi trường sống. Và để giúp con tăng cường tư duy, ngoài áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp thì cha mẹ nên tác động thêm từ chế độ dinh dưỡng.
Cụ thể, hãy bổ sung vào khẩu phần ăn của con các loại thực phẩm tốt cho trí não như cá hồi, trứng, bơ đậu phộng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả mọng, thịt nạc, các loại rau, sữa chua, thịt nạc.
Song song đó, đừng quên cho trẻ uống sữa mỗi ngày, nhất là các loại sữa phát triển toàn diện về mọi mặt, để con không chỉ thông minh, mà còn khôn lớn khỏe mạnh.
Khi đã nắm rõ trẻ mấy tháng biết nói chuyện, cha mẹ cũng phải áp dụng một số cách dưới đây, để tăng cường phát triển ngôn ngữ, giúp con nói được thành thạo trong mỗi giai đoạn phát triển:
Cha mẹ nên dành ra một khoảng thời gian cố định để trò chuyện với con thường xuyên. Chủ đề có thể là mô tả những gì đang diễn ra hằng ngày, đồng thời khi trò chuyện, cha mẹ cần sử dụng các câu đơn giản, dễ hiểu và ngắn gọn để trẻ bắt chước nói lại tốt hơn. Mặt khác, phụ huynh cũng phải lắng nghe, phản hồi lại để kích thích trẻ nói nhiều hơn, nhờ vậy giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Để khuyến khích trẻ nói chuyện, cha mẹ nên đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau. Bắt đầu từ các câu đơn giản như “con có đói không?”, “con có muốn ăn cái bánh kia không?”, cho đến các câu hỏi chi tiết như “con nhìn xem chiếc xe to lớn đằng kia có phải màu đỏ không?”, “ngôi nhà hàng xóm này trông nhỏ nhỉ?”, “con muốn ăn quả táo hay quả chuối?”. Điều này cũng đồng thời gia tăng vốn từ vựng mới cho trẻ nữa đấy!
Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, bí quyết tập cho trẻ nói sớm và thành thạo là sử dụng âm thanh, bài hát dành cho thiếu nhi. Thông qua lắng nghe giai điệu, điều này giúp trẻ nắm rõ cách phát âm của mỗi từ, đồng thời mở rộng và ghi nhớ từ vựng tốt hơn.
Khi dạy cho trẻ tập nói, cha mẹ nên có cử chỉ minh họa đi kèm. Ví dụ như đang mô tả về bộ phận trên cơ thể, hãy dùng tay chỉ vào từng bộ phận và đọc tên cho con nghe. Lúc này, trẻ không chỉ chú ý hơn đến cha mẹ, mà còn nhớ từ vựng tốt, cũng như có kiến thức về cuộc sống xung quanh.
Một trong những cách phát triển vốn từ cho trẻ là dùng từ đồng nghĩa thay thế. Ví dụ, đồng nghĩa với từ “cho” thì có “tặng”, “biếu”. Với mỗi từ, cha mẹ hãy hướng dẫn cho con cách phát âm, cũng như cách sử dụng phù hợp trong ngữ cảnh khác nhau.
Ngoài ra, để trẻ mở rộng thêm ngôn ngữ, cha mẹ nên đặt ra các câu hỏi về lựa chọn, ví dụ như “con thích mèo hay chó”, “con thích đi công viên, đi biển hay sở thú”. Một bí quyết khác là sử dụng tính từ mô tả. Ví dụ như ngoài “đẹp” thì con có thể nói thêm các từ như “xinh xắn”, “đáng yêu”, “dễ thương”, “duyên dáng” để mô tả một người nào đó.
Đa phần các con đều thích thú với hình ảnh sinh động, tươi sáng và rực rỡ trong sách. Do đó, khi dạy trẻ tập nói, cha mẹ nên kết hợp dùng thêm các loại sách khác nhau. Cha mẹ có thể dùng tay chỉ vào từng hình ảnh và mô tả cho con nghe. Điều này giúp trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với từ vựng mới. Hoặc, hãy đọc truyện với âm điệu khác nhau, đồng thời khuyến khích trẻ nói, kể lại để qua đó phát triển kỹ năng giao tiếp.
Trong quá trình dạy con tập nói, cha mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau để giúp trẻ thoải mái và tiếp thu tốt hơn:
Khi trẻ tập nói chuyện, điều này có thể tốn nhiều thời gian nên cha mẹ hãy kiên nhẫn, dành ra thời gian để cho con nói. Ngay cả khi không hiểu trẻ đang nói gì, cha mẹ hãy tiếp tục lắng nghe. Sau đó, lặp lại những gì đoán được và hỏi con liệu có phải đúng như vậy không.
Tuyệt đối không cáu giận hoặc cắt ngang khi trẻ đang nói, bởi điều này có thể khiến trẻ “mất hứng” và không còn hứng thú với tập nói nữa.
Là cha mẹ, ai cũng hạnh phúc khi nghe được âm thanh đầu tiên của con. Tuy nhiên, sự phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ là khác nhau. Đôi khi trẻ có thể chậm nói hơn bình thường và thay vì gây áp lực bắt con phải nói, cha mẹ hãy cho trẻ phát triển theo đúng tốc độ riêng của mình.
Khi trẻ nói rõ ràng, rành mạch và dùng nhiều từ vựng khác nhau, cha mẹ hãy mỉm cười bày tỏ sự vui mừng, đồng thời khen ngợi con đã cố gắng thật nhiều. Lúc này, lời khen của cha mẹ không chỉ giúp trẻ tự tin và cảm thấy tự hào về bản thân, mà còn tạo động lực để trẻ cố gắng tập nói tốt hơn sau này.
Do chưa thể giao tiếp tròn vành rõ chữ nên đôi khi, trẻ có thể nói ngọng vài từ, ví dụ như “ăn ơm (cơm)”, “ô cô (ô tô)”. Nhiều cha mẹ thấy trẻ nói như thế rất dễ thương nên thường lặp lại để gần gũi hơn với trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến trẻ tiếp tục nói sai và khó sửa phát âm hơn sau này. Do đó, nếu muốn con giao tiếp tốt, cha mẹ cần lưu ý không “nhại” phát âm sai của con nhé!
Vậy là cha mẹ đã nắm rõ được thông tin trẻ mấy tháng biết nói chuyện và cách dạy con tập nói từ bài viết trên đây. Nhìn chung, để giúp trẻ đạt được cột mốc phát triển ngôn ngữ thì cha mẹ nên tích cực tương tác, giao tiếp và hát thường xuyên cùng con. Đừng quên kiên nhẫn, bày tỏ sự yêu thương và lời khen để trẻ có động lực tập nói tốt hơn. Trong trường hợp trẻ chậm nói, phụ huynh hãy đưa trẻ đi khám với bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng giải quyết phù hợp, giúp phát triển kỹ năng nói ở trẻ.